Tết của người Hà Nội – nét văn hóa ẩm thực đầy kiêu hãnh

Hà Nội luôn được mệnh danh là nơi kết tinh, hội tụ tinh hoa văn hoá dân tộc nói chung, của người miền Bắc nói riêng. Người Hà Nội lại trau chuốt, tỉ mỉ và “sành”. Nên dù thế sự có đổi thay, xã hội có phát triển không ngừng nghỉ, Tết của người Hà Nội vẫn mang trong mình những nét văn hóa ẩm thực đặc trưng mà chẳng nơi nào khác có được.

Mâm cỗ Tết kỳ công, tinh tế
Theo truyền thống nấu cỗ Tết của người miền Bắc, mâm cỗ ngày Tết lúc nào cũng cần 4 bát, 4 đĩa, tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa, bốn hướng… Những nhà dư dả hơn thì sẽ làm 6 bát, 6 đĩa rồi thậm chí 8 bát, 8 đĩa. Mỗi món ăn đều được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, thể hiện sự no ấm và hạnh phúc của mỗi gia đình, cũng như ước mong một năm mới đầy đủ, thịnh vượng và an khang.

Mâm cỗ ngày Tết của người Hà Nội lúc nào cũng đủ bánh chưng xanh, thịt gà, thịt lợn nấu đông, thịt kho tàu, cá kho riềng, giò, chả, canh miến, canh bóng thả, canh măng… Từng món ăn đều được chăm chút, đầu tư từ các bước chọn lọc, sơ chế nguyên liệu rồi chế biến thành món ăn đậm đà sắc hương vị.

Thưởng trà – chúc nhau năm mới vạn điều hay
Ông bà ta có câu “Khách đến nhà không trà thì rượu“. Cũng chính vì thế mà trong không gian đất trời vào xuân, khi khách đến nhà, mời trà, cùng thưởng trà là một tục không thể thiếu của người Hà Nội. Đầu năm mới, bên chén trà, mỗi người chúc nhau vạn sự như ý, mọi điều tốt lành

Người Hà Nội chuộng trà mạn sen, chè Ô Long, Liên Tâm, Thiết Quan Âm vỏ thiếc… Mỗi chén trà là một câu chuyện, là những tâm tình về một năm đã qua và những ước nguyện, tâm niệm cho một năm mới sung túc, đủ đầy.

Ô mai – đượm vị Tết
Với nhiều người Hà Nội, Tết chẳng thể trọn vẹn khi thiếu món ô mai, mứt cổ truyền. Xưa kia, với nhiều gia đình, trong ba ngày Tết, buổi chiều thường cúng mứt thay cúng cơm. Mứt bí, mứt phật thủ, bánh phồng vẽ, bánh huê cầu. Ngày nay, trên bàn đãi khách ngày Tết của người Hà Nội, những đĩa ô mai nhỏ xinh đã trở thành nét văn hóa ẩm thực không còn lạ lẫm.

Một khay ô mai trọn “sắc hương vị” với hương vị ngọt ngào, đậm đà cùng màu sắc rực rỡ của những loại bánh, mứt, ô mai… ngụ ý cho một năm mới bình an, tràn đầy may mắn. Đồng thời, không chỉ bày đơn điệu một loại ô mai mà luôn đầy đủ mơ, sấu, quất, gừng,… tương ứng với chua, cay, mặn, ngọt, bùi như đặc trưng cho những hương vị cuộc sống cũng như thể hiện khí trời của bốn mùa trong một năm. Nhiều loại ô mai, mứt được bày trên cùng một khay còn có ý nghĩa mong muốn sự hòa hợp, sum họp đoàn viên.

 

Trả lời

Địa chỉ
Gọi điện
Chat FB
Chat Zalo